4 điểm đến linh thiêng nhất định phải ghé thăm trong chuyến du lịch Côn Đảo

Đến Côn Đảo, ngoài việc tận hưởng những điểm du lịch lãng mạn bên bờ cát trắng, nắng vàng, du khách cũng không thể bỏ qua những điểm đến tâm linh, mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Côn Đảo là một quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu. Cách đây vài thế kỷ, nơi đây được mệnh danh là địa ngục trần gian, nơi có nhà tù đế quốc chuyên giam giữ và tra tấn những người cộng sản. Ngày nay, không khí thanh bình đã trở lại với Côn Đảo biến nơi đây trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Đặt chân đến quần đảo xinh đẹp ở phía Nam Tổ quốc, du khách không chỉ được tận hưởng không gian mênh mông của biển xanh, hít thở không khí trong lành, mà còn được ghé thăm những điểm đến thiêng liêng, gắn liền với lịch sử.

Thăm mộ chị Võ Thị Sáu

Côn Đảo từng là nơi giam giữ nhiều người yêu nước Việt Nam nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân…, các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh… và các chiến sĩ cách mạng, trong đó có Võ Thị Sáu.

Đến Côn Đảo, du khách không thể bỏ qua cơ hội thắp nén nhang trên mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương.

Khác với các nghĩa trang lớn khác trên cả nước, nghĩa trang Hàng Dương dù ngày hay đêm vẫn luôn đông khách viếng thăm, trong số đó rất nhiều người đến viếng thăm phần mộ chị Võ Thị Sáu.

Đối với người dân Côn Đảo, cô Sáu được coi như một vị thánh che chở, hóa giải buồn đau. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân trên đảo truyền tai nhau “Cô Sáu mất thiêng lắm, hơn 12h đêm cô mới về”. Vì vậy, người dân địa phương và du khách duy trì một tập tục là đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu vào đúng lúc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới. Từ 23h đêm trở đi là thời điểm nơi này đông đúc. Đèn được thắp lên chiếu sáng toàn bộ nghĩa trang.

Đến nghĩa trang Hàng Dương, du khách sẽ được nghe nhiều huyền thoại về chị Sáu. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa như một vị thần. Những câu chuyện người dân Côn Đảo kể về chị Sáu không có trong sử sách, nhưng còn lưu truyền mãi như những truyền thuyết dân gian…

Ngoài ra, đến nghĩa trang Hàng Dương, du khách còn có thể viếng thăm mộ của những người cộng sản nổi tiếng như Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Lê Văn Việt…

Nhà tù Côn Đảo

Đến Côn Đảo, chắc chắn du khách không thể bỏ qua địa danh nhà tù Côn Đảo. Câu thơ “Côn Lôn đi dễ khó về – Già đi bỏ xác, trai về nắm xương” đã phản ánh sinh động, chân thực về địa ngục trần gian, nơi chứng tích còn lại vẫn khiến người đời ghê rợn.

Các cụm nhà tù nổi tiếng gồm có Chuồng Cọp, Chuồng Bò, trại Phú Hải, sở Lò Vôi, sở Muối… được xây dựng nhằm giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Nhiều du khách khi đến đây đều không khỏi “rùng mình” về những gì được tận mắt chứng kiến và nghe kể lại.

Trong nhà tù Côn Đảo có một ngôi miếu gạch nhỏ được dựng lên ngay giữa sân nhà lao. Miếu này do chính cai ngục trong nhà tù xây nên. Do cảm thấy linh hồn các tù nhân đã mất luôn quanh quẩn theo từng bước chân, hiện hữu trong từng giấc mơ, do đó cai tù lập miếu và thắp hương để khẩn cầu các linh hồn tha thứ cho họ.

An Sơn Miếu

Miếu Bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu là nơi thờ bà Phi Yến – thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh). Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm. Năm 1783 khi trên đường trốn chạy quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã ra tới khu vực của Côn Đảo. Vì can ngăn Nguyễn Ánh đừng cầu viện quân Pháp để chống lại quân Tây Sơn mà bà bị khép vào tội phản nghịch và bị bỏ lại, giam cầm trong một hang đá trên hòn Côn Lôn nhỏ (nay gọi là hòn núi Bà). Hoàng tử Hội An hay còn gọi là hoàng tử Cải khóc đòi đưa mẹ đi theo nên bị chúa Nguyễn ném xuống biển, xác trôi dạt vào làng Cỏ Ống và được người dân lập miếu thờ.

Bà Phi Yến cũng được dân làng giải thoát khỏi hang đá và cho bà biết sự tình về Hoàng tử. Mọi người cùng nhau giúp bà dựng một ngôi nhà ngay bên mộ Hoàng tử Hội An để bà chăm sóc mộ phần đứa con xấu số.

Tên tục của bà là Lê Thị Dăm, Hoàng tử Hội An tên riêng là Cải nên người bấy giờ đặt ra câu hát: “Gió đưa cây Cải về trời/Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”

Một lần hội làng, bị thu hút bởi nhan sắc lộng lẫy, một kẻ đã xông vào xúc phạm bà. Sau kẻ này bị dân làng bắt và còn bà Phi Yến tự tử để vẹn toàn trinh tiết ở tuổi 25. Từ đó, người dân trên đảo lập miếu thờ bà và hoàng tử, quanh năm hương khói.

Chùa Núi Một

Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi Một, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 1,6km. Chùa được xây dựng dưới thời Mỹ ngụy năm 1964, nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ sinh sống trên đảo. Ngoài ra, việc xây dựng chùa còn có mục đích dùng để che mắt dư luận quốc tế, báo chí về hệ thống cai trị tù nhân tàn bạo, khốc liệt dưới chế độ Mỹ ngụy thời bấy giờ.

Hiện nay, chùa không chỉ là công trình văn hóa, danh thắng, di tích lịch sử của huyện Côn Đảo, mà còn là nơi để nhân dân và du khách hành hương, hướng thiện và cầu nguyện, siêu độ cho các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc.

Chùa được xây dựng ngay lưng chừng núi với hơn 200 bậc thang bằng đá kết xi măng. Chùa Núi Một không có sư trụ trì, cảnh chùa tĩnh mịch. Từ đỉnh chùa phóng tầm mắt ra bốn phương, đâu đâu cũng tạo cho du khách một cảm nhận khác lạ. Nếu hướng Nam, bạn có thể ngắm núi rừng xanh bạt ngàn, hướng Đông vịnh là Côn Sơn trong xanh, hướng Bắc là cánh đồng sen An Hải bát ngát. Khi leo xuống, du khách dừng chân lưng chừng núi để lễ tượng Phật bà Quan Âm.

Comments

Trả lời